Trong bài viết này, Thomas sẽ review tất tần tật về giờ mở cửa, địa chỉ, đường đi thổ địa, lịch trình từ đi tới về, giá vé cập nhật, chi phí tự túc rẻ nhất, có gì hay dọc đường, chụp ảnh đẹp nhất, thuyết minh lịch sử và kiến trúc nhà cổ Bình Thủy, bật mí những kinh nghiệm tham quan nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ.
Thomas Vietnam | vemekong.com | 25-04-2021 | Khám Phá Cần Thơ
1. Review nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ
Giữa thành phố hiện đại với bao tòa nhà đồ sộ, mấy ai ngờ Cần Thơ vẫn còn đó những công trình kiến trúc cổ, vừa đẹp lại vừa minh chứng cho một thời khai mở, đắp xây thành phố ngay từ buổi đầu hình thành. Đến với nhà cổ Bình Thủy, quí vị vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật trang trí độc đáo; vừa có dịp tìm hiểu thêm về cội nguồn di sản của tiền nhân.
2. Giờ mở cửa, giá vé, đường đi, địa chỉ nhà cổ Bình Thủy
Giờ mở cửa nhà cổ Bình Thủy: Mỗi ngày, từ 7 giờ đến 12 giờ trưa; từ 14 đến 18 giờ chiều.
Giá vé nhà cổ Bình Thủy: 20,000 VND/người lớn. Thomas không thấy cô chủ tính tiền trẻ em.
Đường đi nhà cổ Bình Thủy: Có cung 3 đường chính. Phổ biến nhất là đi bằng xe du lịch, khoảng 10km, tầm 35 phút, đường thoáng, chạy về đường Võ Văn Kiệt, trên đường ra sân bay Cần Thơ, quí vị sẽ thấy cầu Bình Thủy 2, qua cầu quẹo phải, chạy dọc bờ sông là tới nhà cổ nằm bên tay trái. Cách thứ 2, từ trung tâm quí vị men theo đường CMT8, QL91B, đến cầu Bình Thủy quẹo trái vào đường Bùi Hữu Nghĩa nếu xe máy (xe du lịch thì lên trên tí có đường Nguyễn Truyền Thanh, quẹo trái vòng lại) chạy tầm 5 phút là tới nhà cổ nằm phía tay phải. Cách thứ 3 là từ bến Ninh Kiều, quí vị đi bằng thuyền tới bờ sông của nhà cổ được luôn, tầm 45 phút đi thuyền.
Địa chỉ nhà cổ Bình Thủy: Số 26/1 đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
3. Lịch sử nhà cổ Bình Thủy
Nhà thờ họ Dương là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy, Cần Thơ, người dân địa phương quen gọi nơi đây là nhà cổ Bình Thủy, Vườn Lan Bình Thủy hay nhà cổ Vườn Lan. Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam Bộ khoảng cuối thế kỉ XVIII, tính đến ông Dương Minh Hiển là thế hệ thứ 6, ngôi nhà đầu tiên do ông Dương Văn Vị xây dựng vào năm 1870 bằng gỗ quí và lợp ngói để thờ cúng tổ tiên. Ngôi nhà hiện nay quí vị tham quan là do ông Dương Chấn Kỷ (còn gọi là Hội đồng Ba) xây dựng khoảng từ năm 1904 cho tới năm 1911 mới hoàn thành.
4. Kiến trúc nhà cổ Bình Thủy – biểu tượng văn hóa Nam Bộ
Nhà thờ họ Dương là một công trình nằm trong quần thể kiến trúc được phân bố khá đậm đặc cặp sông Bình Thủy – làng Long Tuyền xưa. Ngôi nhà tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 8.000 mét vuông, theo hướng Đông – Tây, nền nhà cao hơn 1 mét so với sân vườn. Nhà có Kiến trúc 5 gian, bên trong được chia thành 3 phần: Phần trước, nhà giữa và nhà sau, được lót gạch bông nhập về từ Pháp. Nhà trước dùng làm nơi tiếp khách, được trang trí theo phong cách Châu Âu. Nhà giữa được bài trí theo phong cách truyền thống của Việt Nam, 3 gian trong dùng làm nơi thờ tự, 2 gian hai bên dùng làm nơi sinh hoạt gia đình. Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung.
5. Tour nhà cổ Bình Thủy Cồn Sơn nửa ngày
Nếu quí vị đủ thời gian thì nên kết hợp chuyến đi tham quan nhà cổ Bình Thủy và ghé bến phà Cô Bắc đi trải nghiệm hái trái cây miệt vườn tại du lịch cộng đồng Cồn Sơn. Hoặc liên hệ vemekong.com để được sắp xếp lịch trình trọn gói.
6. Thuyết minh nhà cổ Bình Thủy đẹp nhất xứ Tây Đô
Bước vào cổng chính, quí vị như đang đi vào một dinh thự bề thế (xét về thời gian), nguy nga ảnh hưởng kiến trúc phương Tây, nhưng không làm mất đi cái hồn dân tộc, nhất là không gian thờ cúng. Chính nhờ sự độc đáo này đã lôi cuốn nhiều hãng phim, đạo diễn chọn nơi đây làm phim trường, bối cảnh cho các phim L’amant (Người tình), Người đẹp Tây Đô…Ngày nay, ngôi nhà là một trong những địa chỉ check in của nhiều du khách, của các cặp đôi chụp ảnh cưới, đặc biệt có nhiều lữ khách đến đây “thủ vai người tình” ngay trước ban công nhà – một trong những cảnh vai nổi tiếng của Jean March và Lương Gia Huy.
7. Bật mí những trải nghiệm chụp ảnh ấn tượng độc đáo
Ảnh 1, ảnh tại cổng chính như kiểu Dinh thự xưa.
Ảnh 2, tựa vào ban công của một trong bốn cầu thang gạch, background là hoa giấy và nhà.
Ảnh 3, đứng trên ban công chính của ngôi nhà, kiểu ảnh chuẩn “thủ vai người tình”.
Ảnh 4, nếu quí vị mặc váy trắng, thiêu nhẹ, dây nịt hờ, nón phớt con trai thì chụp đâu cũng đẹp.
Ảnh 5, vào trong nhà, nhìn ra rèm cửa thời gian.
Ảnh 6, chụp tập thể trước nhà.
Ảnh 7, lúc quí vị ngồi ở một trong những bộ bàn ghế được cho phép ngồi
Ảnh 8, chụp với vườn Lan ngoài sân.
Ảnh 9, lúc Thomas đi là có chụp ảnh cây xương rồng 1975 từ Mê Xi Cô, cao bằng căn nhà, được mệnh danh là “Kim Lăng Trụ”.
8. Bản đồ google maps tự nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ
9. Video nhà cổ Bình Thủy (chất lượng 4K)
10. Lưu ý khi tham quan nhà cổ Bình Thủy
Thomas có một vài kinh nghiệm bỏ túi khi tham quan nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ muốn chia sẽ với quí vị.
1. Nhà này vẫn được quản lý của gia đình. Nên quí vị đến thăm nhà đúng giờ. Đóng cửa giờ trưa.
2. Nếu quí vị chụp hình du lịch thì được, nếu ghi hình chuyên nghiệp hoặc ảnh cưới thì nên hỏi chủ nhà vì phụ thu riêng.
3. Đa phần là đồ cổ trong nhà, quí vị cẩn trọng nếu có dẫn trẻ nhỏ theo.
4. Nếu may mắn quí vị sẽ được chủ nhà giới thiệu nhiều hơn và những kĩ niệm của từng món đồ cổ, cũng những những ý nghĩa, nét đẹp tinh tế của các bao lam quanh cột gồm: mai, lan, trúc, cúc, tùng lộc, thỏ, dơi…
5. Cởi giày, gỡ nón khi vào nhà.
6. Tổng thời gian tham quan nơi đây tầm 30 – 45 phút tối đa.
7. Nếu lỡ đến nhà, trong khung giờ tham quan nhé, mà không ai mở cửa thì các bạn qua bên hông nhà có chuông để bấm, vì có thể chủ nhà nghỉ ngơi trong nhà.
8. Nắng mưa Miền Tây không hề khắc nghiệt. Miền Tây vẫn luôn làm say nắng, say mưa bất kì ai đến bất kì lúc nào.
“Có rất nhiều nơi để quí vị về, cảm ơn quí vị đã Về Mekong” – Thomas Vietnam – Local travel expert.